Công dụng và tầm quan trọng của các thiết bị an toàn lò hơi

http://mde.com.vn

Công dụng và tầm quan trọng của các thiết bị an toàn lò hơi

Công dụng và tầm quan trọng của các thiết bị an toàn lò hơi

Thiết bị an toàn lò hơi đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo vận hành lò hơi hiệu quả cũng như tính an toàn và bền bỉ của lò hơi. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về các thiết bị an toàn cơ bản của lò hơi và phương pháp xử lý sự cố xảy ra với các thiết bị này trong quá trình vận hành.

 I. Mở đầu:

Thiết bị an toàn lò hơi đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo vận hành lò hơi hiệu quả cũng như tính an toàn và bền bỉ của lò hơi. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về các thiết bị an toàn cơ bản của lò hơi và phương pháp xử lý sự cố xảy ra với các thiết bị này trong quá trình vận hành.

II. Các thiết bị an toàn lò hơi:

1. Van an toàn:

Là thiết bị dùng để khống chế áp suất lò hơi, không để vượt quá áp suất cho phép nhằm đảm bảo tính an toàn trong vận hành lò. Van an toàn được thiết kế sao cho Pthiết bị > Plàm việc và khi xả không làm cạn nước lò, đảm bảo giảm áp xuống đúng mức quy định.

Để van an toàn luôn hoạt động chuẩn chúng ta nên:

Kiểm tra độ nhạy của van thường xuyên ít nhất một tuần một lần.

Kiểm định định kỳ theo tiêu chuẩn nhà nước và niêm phong chì.

 

Hình 1: Van an toàn lò hơi

2. Ống thủy lò hơi:

Ống thủy sáng: Dùng quan sát mực nước trong lò để vận hành bơm nước cấp đảm bảo duy trì mực nước đúng quy định, yêu cầu kỹ thuật ống thủy phải chịu áp lớn hơn 15 kg/cm2.

Ống thủy tối: Dùng để đo mực nước trong lò và điều khiển bơm nước cấp dao động trong khoảng cho phép. Cấu tạo ống thuỷ tối bao gồm ba điện cực, điện cực ngắn nhất dùng để báo nước đầy, điện cực trung bình dùng để tắt bơm, điện cực dài nhất dùng dể báo cạn nước lò nghiêm trọng, cần phải dừng lò.

 

Hình 2: Ống thuỷ sáng (trái) và điện cực ống thuỷ tối (phải) trong lò hơi

3. Đồng hồ đo áp suất lò hơi:

Trong lò hơi lúc nào cũng có đồng hồ áp suất dùng để đo áp suất lò hơi , áp suất buồng đốt hoặc áp suất nước cấp...

Tùy theo áp suất sử dụng mà chọn thang đo cho thích hợp cho đồng hồ đo, tránh hiện tượng chọn sai thang đo dẫn đến hư hỏng hoặc hiển thị không chính xác.

 

Hình 3: Đồng hồ đo áp suất lò hơi

4. Que dò nhiệt độ và đồng hồ đo nhiệt độ:

Que dò nhiệt độ sử dụng trong lò hơi có rất nhiều thang đo trong đó que dò nhiệt độ buồng đốt có thang đo 16500C trở xuống,que dò khói có thang đo 5500C trở xuống, nhiệt độ nước có thang đo 2500C trở xuống.

Khi nhiệt độ thực tế cao hơn nhiệt độ cài đặt thì hệ thống điều khiển PLC sẽ tự dừng lò để bảo vệ thiết bị.

Ví dụ: Cài đặt nhiệt độ buồng đốt lò hơi không để vượt quá 8000C nếu cao hơn sẽ tắt lò.

 

Hình 4: Que dò nhiệt độ (trái) và đồng hồ nhiệt độ (phải) lò hơi .

5. Rơ le áp suất, que dò áp suất:

Lò hơi luôn luôn có rơle điều chỉnh áp suất , thông thường gồm hai rơle cơ va hai que dò áp suất điện tử dùng để báo áp suất cao và áp suất thấp về cho bộ điều khiển PLC, bộ điều khiển sẽ tự động tắt lò khi áp suất cao và chạy lò lại khi áp thấp hơn áp cài đặt.

 

Hình 5: Rơ le áp suất cơ (trái) và đầu dò áp suất điện tử (phải).

6. Van xả đáy:

Van xả đáy dùng để tháo bỏ cặn bẩn, bùn đóng lại dưới đáy lò hơi , thông thường mỗi lò hơi được lắp hai van xả đáy: một van xả chậm và một van xả nhanh.

Lắp một van xả đáy tự động 1h xả một lần, mỗi lần 20 giây.

Trong quá trình tẩy lò, quy trình xả được quy định như sau: 30 phút xả 1 lần, mỗi lần xả 15 giây. Bắt đầu xả bằng cách mở van xả nhanh ra 100% ,sau đó mở hé van xả chậm để xông sấy đường ống, khi ống đã đạt nhiệt độ đều thì khóa van xả nhanh lại rồi mở van xả chậm 100% . Tiến hành xả đáy theo hồi và tổng thời gian xả là 15 giây.

 

Hình 6: Van xả đáy chậm (trái) và nhanh (phải) của lò hơi.

III. Các sự cố và cách khắc phục:

1. Van an toàn:

Van bị kẹt không tự động nhảy khi áp suất thực tế đã vượt quá áp cài đặt: khi có hiện tượng trên xảy ra, người vận hành phải dừng lò khẩn cấp. Tiến hành mở van xả air xả hết áp trong lò để tháo van an toàn ra sửa chữa hoặc thay mới theo đúng kỹ thuật . Nếu thay mới thì phải kiểm định lại van.

Van bị xì do ty van bị cong hoặc bề mặt côn bị bám bẩn: tiến hành dừng lò xả hết áp và sửa chữa hoặc thay mới. Nếu thay mới thì phải kiểm định lại van.

2. Ống thủy lò:

Ống thủy sáng bị bể hay bị xì hơi: khi có sự cố này xảy ra, người vận hành phải khóa hai van tháo ống thủy ra thay mới đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Chú ý phải sử dụng đồ phòng hộ lao động đeo găng tay, đi ủng mang kính và các trang bị khác phục vụ cho việc bảo trì và sửa chữa, chú ý chọn tư thế đứng cho đúng để tránh bị bỏng.

Ống thủy vẫn còn giữ mức nước nhưng nhiệt độ hơi trong balong cao hơn quy định: lò tắt do đường nước ống thủy bị nghẹt vi bùn hay cáu cặn, khi có sự cố này xảy ra, người vận hành tiến hành dừng lò khẩn cấp, báo cho người có trách nhiệm và tiến hành kiểm tra lại toàn bộ ống nước, ống lò, ống lửa, kiểm tra lại nguồn nước cấp cho lò hơi, vệ sinh lại toàn bộ đường ống nước và ống hơi của ống thủy.

Khi vận hành thì người vận hành phải thường xuyên thông rửa ống thủy ít nhất mỗi ca một lần.

Ống thủy tối báo nước đầy mà ống thủy sáng không có nước : là do các điện cực bị dơ , khi có hiện tượng trên xảy ra, người vận hành tiến hành dừng lò , vệ sinh lại các điện cực.

3. Đồng hồ đo áp:

Kim áp kế chỉ không đúng số (0) khi xả hết áp suất, áp kế bị xì hở, rò rĩ, kim áp kế chỉ sai áp kế chuẩn mặt kính bị mờ không đọc được số: Biện pháp khắc phục là khóa van, tháo đồng hồ ra quấn cao su non và siết lại. Nếu bị xì phải thay mới đồng hồ theo đúng quy định và phải có niêm phong chì.

Cấm sử dụng đồng hồ trong các trường hợp sau: Đồng hồ không có niêm chì, quá hạn kiểm định, vỡ mặt kính, kim không quay về chốt tựa khi ngắt hơi hoặc khi không có chốt tựa cũng không được lệch số (0) của thang đo một trị số quá ½ sai số cho phép của áp kế đó

4. Que dò nhiệt độ và đồng hồ nhiệt độ:

Tín hiệu nhiệt độ báo về bộ điều khiển bị chập chờn hay bị dao động lớn hoặc mất tín hiệu: tiến hành kiểm tra que dò có bị cháy hay bị biến dạng gì không, nếu có thay mới que dò nếu không kiểm tra dây điện, nếu dây điện tốt thì kiểm tra đến bộ điều khiển điện tử nếu hư hỏng thay mới.

Đồng hồ đo nhiệt độ thường dùng thang đo nhỏ để đo nhiệt độ khói và nước , nếu bị kẹt kim hay chỉ không đúng thang đo thì thay mới.

5. Rơle áp suất và que dò áp suất:

Khi lò hoạt động áp suất thực tế lò lớn hơn áp suất cài đặt mà lò không tắt: nguyên nhân hư hỏng thuộc về rơle áp suất và que dò áp suất của lò không báo về bộ điều khiển PLC. Nếu có sự cố trên người vận hành phải dừng lò để khắc phục, kiểm tra tiếp điểm rơle áp suất nếu bị dính tiếp điểm thì tháo ra vệ sinh hoặc thay mới, nếu không hư rơle thì hư hỏng thuộc về que dò áp thay mới que dò.

Khi áp suất thực tế của lò thấp hơn áp cài đặt mà bộ điều khiển vẫn báo áp bình thường hay áp cao: hư hỏng thuộc về rơle hay que dò áp suất, khi có hiện tượng trên xảy ra người vận hành dừng lò và tiến hành sử lý sự cố như sau: vệ sinh tiếp điểm hoặc thay mới que dò .

6. Van xả đáy:

Thông thường van xả đáy bị xì hoặc bị cong ty, nếu bị xì do bề mặt tiếp xúc côn của van thì tháo ra rà lại bằng cát mịn, nếu hư hỏng không thể sửa chữa thì phải thay mới van.

IV. Kết luận:

Việc hiểu rõ về tính năng và tầm quan trọng của thiết bị an toàn lò hơi là một yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo việc vận hành lò hơi đạt hiệu quả cao và bền bỉ thiết bị. Chúng tôi hy vọng đã cung cấp cho các bạn một số thông tin hữu ích. Nếu có bất cứ câu hỏi gì thêm, hãy liên hệ ngay với chúng tôi tại: info@mde.com.vn để được tư vấn tốt nhất.

MDE - Phòng kỹ thuật